Nhà – 10

Em trai

Em trai tôi ra đời vào một ngày mùa thu.

Khi mẹ tôi chuyển dạ, tôi đang ở trường học. Ngày hôm ấy, khi ra khỏi cổng, tôi thấy chú Nguyên đang đợi sẵn. Ôm chầm lấy tôi, chú tỏ ra rất vui sướng, luôn miệng nói, bé Liên có em trai rồi đấy. Suy nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi khi nghe tin em trai ra đời là, lần này cuối cùng thì phòng siêu âm của bệnh viện huyện cũng làm việc đàng hoàng.

Chiều hôm ấy, Văn đã hẹn tôi ra bờ sông câu cá. Quay lại nhìn Văn, tôi lắc đầu. Thằng bé đứng sau có lẽ đã nghe lỏm được cuộc trò chuyện. Nó gật đầu, ra vẻ đã hiểu, môi mấp máy như định chúc mừng. Nhưng khi nhìn mặt tôi, nó chợt im lặng, gương mặt thoáng sự bối rối mà tôi đến giờ vẫn không cắt nghĩa được.

Tôi theo chú Nguyên về nhà ông bà. Mọi người ở nhà đều đi vắng – hẳn là đến bệnh viện cùng với mẹ. Chỉ có hai chú cháu tôi ăn trưa ở tiệm cơm trước cửa nhà ga. Tôi chợt nhớ, mình vẫn thường thích ăn cơm bình dân hơn là cơm mẹ nấu – điều đó làm mẹ tôi cằn nhằn không ngớt. Tôi gọi thêm một phần trứng nữa, ăn ngon lành, rồi chợt nhớ mẹ không có ở đây để tôi chọc tức.

Chú tôi có vẻ rất vui – ông huyên thuyên nói đủ chuyện. Thấy tôi im lặng, ông tưởng rằng tôi lo lắng – dẫu sao thì việc sinh đẻ thời đó cũng không an toàn lắm – nên hết lòng trấn an tôi. Rồi, ông kết thúc bằng câu nói tôi đã nghe nhiều lần đến phán chán trước đó, Liên là chị rồi đấy, nên phải gương mẫu lên, không được trẻ con nữa, nghe chưa.

Tôi im lặng ăn cơm, nghe chú tôi nói chuyện, ngạc nhiên khi nhận thấy bản thân chẳng có gì lo lắng cho mẹ tôi, hay vui mừng vì sự ra đời của em tôi cả. Tôi cũng chẳng thấy ghen tị, buồn bã, tức giận như những người hàng xóm vô tâm thường hay trêu đùa. Trong buổi trưa ấy, khi ăn cơm ở tiệm trước ga, rồi khi nắm tay chú tôi trên đường về, khi ngồi giữa nắng trưa rung động, nghe tấm rèm cây xanh thẳm ông nội tôi trồng khẽ xào xạc trong gió, tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại lòng mình, và chẳng cảm thấy gì cả. Tấm lòng tôi dửng dưng đến lạ lùng. Tôi chợt cảm thấy không thoải mái, và lần đầu tiên tôi tự vấn mình – thế này là không hợp lẽ phải không? Một đứa em sắp ra đời – không, một con người sắp ra đời – đây là chuyện trọng đại phải không? Tôi phải có cảm xúc gì rõ rệt hơn chứ?

Có tiếng ồn ào ngoài cửa. Mấy bà hàng xóm ồn ào nhiều chuyện mà tôi luôn chán ghét đẩy cổng bước vào. Tự nhiên như không, họ bước ra sau nhà, ngồi xuống quanh bàn trà, nơi bà tôi thường hay tiếp họ, và chưa đặt mông xuống ghế, họ đã hồ hởi tán chuyện. Về mẹ tôi. Về đứa trẻ vừa ra đời. Họ đơn giản chỉ hóng chuyện để tiếp tục buôn dưa lê bán dưa chuột. Nhưng nhìn họ rôm rả cười đùa như vậy, tôi chợt nghĩ, đứa trẻ này rốt cuộc có dính líu đến họ đâu, tại sao lại làm vẻ hồ hởi như thế? Còn tôi, người trực tiếp có liên hệ với nó, lại chẳng cảm thấy gì?

Buổi chiều đó, chú tôi đi học vẽ. Còn lại một mình trong nhà ông bà, tôi ngồi làm bài tập, đọc sách, vẽ tranh, lấy trộm những món đồ người yêu của cô tôi đã tặng cho cô ra xem. Vì buồn chán, tôi định trốn đi câu cá với Văn, nhưng không biết thằng bé sẽ đi tới khúc sông nào, nên đành thôi. Một lát ông nội tôi cũng trở về, mỉm cười xoa đầu cho tôi vài cái kẹo, nhưng bình thường ông cháu tôi cũng ít khi nói gì với nhau, vì vậy, mọi thứ lại chìm vào yên lặng.

Chuông điện thoại chợt reo lên. Ông nội tôi vội đứng dậy, tập tễnh bước vào phòng. Tôi không nghe ông nói gì, chỉ liên tục gật gù, thế à, thế à, mặt càng lúc càng sáng lên. Cuối cùng quay sang tôi, ông nhấc bổng tôi lên và bảo, tối nay, mẹ tôi sẽ đưa em trai tôi về.

Thời khắc cứ thế trôi đi chậm chạp. Tối nay, em trai tôi sẽ về. Mẹ tôi muồn về nhà càng sớm càng tốt vì không chịu nổi mùi thuốc của bệnh viện, bà bảo cái mùi đó làm bà phát bệnh. Kim đồng hồ càng nhấc dần, trời càng tối, tôi càng cảm thấy trong dạ nôn nao, không phải vì bản thân đứa trẻ mới ra đời, mà không biết sẽ đối diện với nó thế nào.

Tôi cảm thấy, một linh cảm mơ hồ dai dẳng, một sự ám ảnh chỉ có trẻ con mới có, rằng nếu tôi có thể nảy sinh tình cảm yêu thương nó, cuộc đời tôi từ giờ trở đi sẽ hoàn toàn trôi chảy. Tôi sẽ giống như mọi đứa trẻ khác – giống như mọi con người khác – và sẽ sống cuộc đời như mẹ tôi.

Đến bảy giờ tối, mẹ tôi, và cả gia đình đã trở về từ bệnh viện. Trong nhà, đầy tiếng cười nói. Tôi len lén định bước vào nhà trong, nhưng chú tôi đã thấy, và mọi người đẩy tôi vào phòng. Mẹ tôi đang nằm trên giường, giữa một đám chăn nệm, mặt mày xanh xao trắng nhợt. Nhìn thấy tôi, bà cau mày, có vẻ không hài lòng chuyện tôi ăn bánh xong không rửa mặt, còn dính đầy hai bên mép. Nhưng rồi bà đã mỉm cười lập tức, và bảo tôi khe khẽ, mau nhìn em đi.

Bên cạnh mẹ tôi, một sinh vật đỏ hỏn nhỏ xíu đang nằm. Tôi im lặng nhìn nó, gật đầu bảo, dễ thương lắm.

“Không được khen trẻ em dễ thương!” Mẹ tôi cau mày, chỉnh tôi. Tôi gật đầu lần nữa, rồi ra khỏi phòng, cảm thấy nhẹ nhõm như vừa mới trút được gánh nặng, mà cũng cảm thấy không thoải mái, bức bối, như thể bị mắc kẹt trong một tấm lưới mà chính mình cũng không rõ hình thù.

Những tháng tiếp theo đó, mẹ tôi ở hẳn nhà ông bà. Cha tôi vẫn chưa về, nhưng trong những cuộc điện thoại thường xuyên, tôi biết ông rất hồ hởi. Không chỉ có ông, những người khác trong nhà cũng thế. Những người bà con họ hàng lũ lượt kéo đến, tặng quà cho mẹ tôi, nói chuyện với bà nội tôi, hoặc ghé mắt vào nôi nhìn mặt em tôi một cái, sau đó thường thì họ sẽ cười nói huyên thuyên rằng: Thằng bé giống cha nó/ông nội nó/bác hai chú út gì đó quá nhỉ.

Ngồi vắt vẻo trên ghế cạnh giường mẹ tôi, chờ bà có gì đó cần giúp đỡ, tôi im lặng lắng nghe tất cả và thầm nghĩ, tại sao người ta có thể giống nhau đến thế. Những gương mặt, những lời khen tặng, tại sao lại nhất loạt nhuộm một màu bàng bạc mà tôi chỉ có thể gọi là sự không thành thực như thế. Làm sao tất cả bọn họ đều có thể nhìn vào một đứa trẻ đỏ hỏn mặt mũi chưa định hình mà nhận ra những nét giống nhau của nó với cha tôi?: Họ thật sự vui mừng thế sao, những người bà con tôi chưa gặp mặt một lần, về sự ra đời của đứa trẻ này? Như thể tất cả mọi người xung quanh tôi đều mang theo một cái mặt nạ. Kể cả mẹ tôi.

Nằm trên giường, hoặc ngồi cho con bú, mẹ tôi mỉm cười lắng nghe những lời khuyên nhủ, chúc tụng, thăm hỏi của khách khứa đến thăm, trong khi gật gù liên tục. Thi thoảng, khi bà đưa tay lên che miệng ngáp khẽ, tôi biết bà cũng như tôi, đang tự hỏi những người bà con nhiều chuyện vô ý tứ kia bao giờ mới biết là đã đến lúc lui ra cho bà nghỉ ngơi. Nhưng ngoài sự mệt mỏi, một niềm tự hào không đong đếm được như làm gương mặt bà bừng sáng. Dù chứng thiếu máu làm bà xanh xao, những đường nét trên gương mặt bà nhẹ nhõm như đã trút được một gánh nặng – mà điều này về nghĩa đen cũng đúng thôi

Mẹ Văn cũng tới, mang theo đồ ăn cho mẹ tôi, và dắt cả thằng bé đi cùng. Khi bà say sưa nói chuyện với mẹ tôi, Văn khẽ đong đưa cái nôi, nhìn vào đứa trẻ đang say ngủ bên trong với vẻ đầy ao ước. Nghe lỏm cuộc đối thoại giữa hai bà mẹ, tôi hiểu rằng Văn luôn muốn có em. Em gái càng tốt, nhưng em trai cũng được. Có điều, mẹ Văn không thể sinh em bé nữa.

Mẹ tôi đánh mắt sang tôi, và tôi hiểu hai bà mẹ đang cần nói chuyện riêng gì đó, nên kéo Văn ra ngoài. Ngồi giữa những hàng hoa Đừng-quên-tôi, Văn vẫn chưa hết hồ hởi. Nhưng dần dần thằng bé cũng nhận ra sự im lặng của tôi. Liếc nhìn qua ghế tôi ngồi, Văn hỏi, với sự ngạc nhiên thành thật: “Cậu không vui ư?”

Tôi không biết, tôi lắc đầu. Và Văn lè lưỡi: “Cậu chỉ ghen tị với em chứ gì?”

“Không phải ghen tị.” Tôi bác lại. “Tớ chẳng cảm thấy gì cả.”

Văn tròn mắt. Tôi lặp lại lần nữa, tôi chẳng cảm thấy gì cả. Trán Văn nhăn lại, như nó đang cố suy nghĩ ý nghĩa của điều kì quặc này. Cuối cùng mặt Văn giãn ra, và nó có vẻ đã đi đến kết luận mọi khi.

“Cậu lúc nào cũng nói những chuyện khó hiểu, chỉ để làm bộ.” Văn cười hì hì. “Chẳng thành thật tí nào.”

Bình thường tôi sẽ cự cãi lại nó. Nhưng hôm nay, những lời của Văn khiến tôi khó chịu thực sự, và đồng thời thấy mệt mỏi đến mức không muốn nói gì với nó nữa. Nên tôi hỏi thằng bé có muốn ăn gì không, rồi mời nó chỗ mứt từ tháng trước còn để lại trong tủ, cốt để nó mải ăn mà im miệng.

Khi mẹ Văn đã dắt nó trở về, trong phòng không còn ai, nằm nhìn em tôi ngủ, bàn tay bọc trong những cái bao vải xanh đỏ nhỏ bé, mẹ tôi cười một mình một lúc lâu, rồi khe khẽ nói, như đang nói với tôi: Thật may đứa trẻ này là con trai. Nếu không, hẳn cha tôi sẽ có vợ nhỏ cũng nên.

Tôi quay đầu, tròn mắt nhìn mẹ tôi, không thể tin nổi vào tai mình.

“Cha nói thế sao?” Tôi hỏi.

“Làm gì có.” Đưa tay chạm khẽ lên môi em trai tôi, đang khẽ hé ra trong giấc mơ,  mẹ tôi mỉm cười, lơ đãng trả lời. “Nhưng dẫu sao, chuyện đó là dĩ nhiên thôi, đúng không. Đàn ông cần có con trai. Nếu cha con không muốn, mọi người trong nhà cũng không để yên được.”

Những điều đó, tôi kết luận rằng chủ yếu là do sự hoang tưởng và lo lắng thái quá của bà. Hơn ai hết, tôi hiểu sự căng thẳng bà đã tích tụ nhiều năm nay. Nhưng buổi chiều đó, đứng bên giường bà, tôi cũng không thể không nhìn bà chằm chằm. Ánh nắng xuyên qua tấm rèm cửa hắt xuống người tôi, chợt hóa lạnh toát như tôi đang chìm đắm trong biển nước mà nhìn lên mặt trời lấp lánh giữa một đáy xanh thăm thẳm.

Nhưng bà dường như đã coi chuyện đó là đương nhiên, rằng chẳng có gì đáng để suy nghĩ ở những điều bà nói, nên tiếp tục cúi xuống nhìn em tôi đang ngủ say, mỉm cười. Và tôi chợt nhận ra, mẹ tôi rất đẹp. Trong buổi chiều đó, mẹ tôi quả rất đẹp, đến mức làm tim tôi khẽ nhói lên, không biết là do sự phấn khích hay đau lòng. Một lớp phấn nhẹ như đã rắc lên trên làn da của bà, và trong luồng ánh sáng đang làm tôi thấy lạnh thấu xương, gương mặt bà trong mắt tôi tỏa sáng lấp lánh, như được phủ bởi lớp thủy tinh mỏng. Nụ cười của bà trìu mến mãn nguyện đến nỗi tôi không chịu nổi, và chẳng nói chẳng rằng, tôi ra khỏi phòng.

Trong bóng tối của phòng ông nội tôi, tôi rút một cuốn sách ra khỏi kệg. Đó là một buổi trưa yên tĩnh. Âm thanh từ ngoài đường phố đã bị hàng cây quanh nhà lọc hết, và trong căn phòng nhỏ này, chỉ có tiếng gió thổi trên mái nhà, và tiếng bàn tay tôi cẩn thận lật qua những trang sách gần như sắp bung ra.

Tôi muốn yên tĩnh. Có lẽ là thế. Khi căn nhà trở nên quá xáo động vì tiếng khóc trẻ em, tiếng ông bà cô chú tôi, những vị khách đến thăm, có lẽ tôi chỉ cần một chút yên tĩnh.

Nhưng sự yên tĩnh, đôi lúc, làm tôi thấy buồn.

Khi em tôi đã cứng cáp hơn một chút, thi thoảng, vào buổi chiều muộn, khi nắng không còn gay gắt, mẹ tôi cũng bế đứa bé ra ngoài vườn, hoặc đi quanh xóm. Bà nói, khi sinh tôi, bà đã ở lì trong phòng, điều đó có khi ảnh hưởng đến tính cách khép kín kì quặc của tôi chăng. Với cách nói của mẹ tôi, tôi có cảm giác bà đã quyết tâm làm ngược lại mọi điều đã làm đối với tôi, như không thể phạm một sai lầm lần thứ hai nữa. Đó cũng là nguyên nhân khiến bà quyết định không thể gửi gắm em tôi cho ông bà như trước, ngay cả khi phải hy sinh một phần cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Sự giáo dục của đứa trẻ này phải do bà gánh vác, không thể để cho người khác xen vào được. Bà hồ hởi nói, như độc thoại hơn là ý thức được sự hiện diện của tôi ở bên cạnh, khi em tôi lớn lên, bà nhất quyết phải cho đứa trẻ này học võ, tập thể thao. Và phải cho nó đi học mẫu giáo từ sớm – bà thêm vào. Em tôi nhất định sẽ là một đứa trẻ vui vẻ hoạt bát và hạnh phúc – một đứa trẻ bình thường như mẹ tôi ao ước – không giống như tôi.

Những cuốc đi dạo buổi chiều ấy, bà thường hay bắt tôi đi kèm. Có lẽ, mẹ tôi đã thấy được sự dửng dưng của tôi với em mình, và lo ngại về điều đó. Nếu tôi đã tỏ ra vui mừng hay ghen tị, như những đứa trẻ khác, có lẽ bà đã thấy yên tâm hơn. Những cuốc đi bộ buổi chiều đó, tôi cũng chỉ im lặng lắng nghe mà không trả lời. Nhưng mẹ tôi vẫn không bỏ cuộc với hy vọng sẽ thiết lập được một mối dây nào đó giữa tôi và em tôi– sự ngoan cố của tôi hẳn là di truyền từ bà.

Một buổi chiều như thế, khi chúng tôi như mọi khi ngồi xuống nghỉ mệt trên chiếc ghế đá trước cửa nhà hàng xóm, dưới một gốc cây sum suê, từ phía nhà tôi chợt vang lên tiếng ai đó gọi mẹ tôi. Có điện thoại từ cấp trên của bà, có vẻ có việc gấp. Mẹ tôi đứng dậy, định bế em tôi mà trở về. Nhưng chợt liếc sang tôi, như có dự tính gì đó, bà chợt trao đứa trẻ cho tôi, nói, hãy ngồi đây trông em một tí, bà sẽ trở về ngay.

Và như thế, mẹ tôi chạy đi, chỉ còn tôi ngồi lại. Những ngày ấy, thi thoảng khi bà có việc ra khỏi phòng, tôi vẫn bế đứa trẻ, nên bà hẳn đã nghĩ sẽ không có chuyện gì. Trong lớp vải bọc, em tôi nhìn lên tôi, với đôi mắt trong veo. Bàn tay nằm trong bọc vải màu hồng khẽ đưa lên, chạm vào mặt tôi, và thằng bé chợt cười. Đó là một nụ cười rất đáng yêu, khiến tôi mỉm cười theo, cúi đầu xuống thấp hơn, bởi vì, dù mẹ tôi không biết, tôi thích cảm giác khi bàn tay nhỏ trong vỏ bọc đó chạm vào mặt mình như thế.

Thế rồi, vợ chồng người hàng xóm đi tới. Người vợ tới gần, ngồi xuống ghế đá, xởi lởi trò chuyện với tôi. Bà ta có mùi nước hoa rất đậm, tôi vẫn không thích, nhưng không tiện bỏ đi. Bà hỏi chuyện với tôi, về gia đình, cha mẹ, và em tôi, vở kịch truyền hình đang được các bà nội trợ yêu thích, và cuối cùng, đòi bế em tôi.

Tôi im lặng, rồi nghe theo, dù biết mẹ tôi sẽ không hài lòng nếu có ai khác bế em tôi. Trong lúc người vợ đang xuýt xoa, người chồng đã lại gần, và tôi chợt giật mình nhận ra, ông ta đang dắt theo một con chó lớn.

Người hàng xóm đó vốn thích nuôi chó. Hai vợ chồng yêu chó như tính mạng, một phần vì họ chẳng thể có con. Mỗi lần đi ngang qua nhà họ, tôi đều nghe thấy tiếng chó sủa vang, và cố đi nhanh không dừng lại. Trước đó, tôi từng thấy Văn bị chó cắn khi hai chúng tôi đi chơi ngoài nghĩa địa. Thằng bé phải chích ngừa sau đó. Văn đã bị chó cắn để bảo vệ tôi, nên với thằng bé đây là một chiến tích đáng tự hào. Nhưng tôi thì hóa sợ chó từ ngày đó.

Người chồng nhìn thấy chúng tôi, liền cúi xuống hỏi thăm, cười đùa, trong khi con chó rõ ràng chẳng có ý thân thiện gì. Tôi thấy cả người cứng đờ, khi con vật hung dữ to lớn nhìn chúng tôi, sủa liên hồi, người rướn lên như định xông về phía trước. Em trai tôi nằm trong lòng người phụ  nữ kia, đáng ngạc nhiên, lại càng thích thú hơn, cười khanh khách, chỉ tay về phía con thú kia.

Con chó chùng người xuống, nhưng lại bật lên, sủa một tràng dữ dội. Tôi tưởng như nó sắp xông ra, và không còn biết điều gì nữa, tôi quay đầu bỏ chạy. Phía sau tôi chỉ còn tiếng chó sủa.

Khi tôi xộc qua cổng, thì cũng là mẹ lúc mẹ tôi vội vã bước ra. Nhìn thấy bộ dạng của tôi,  bà hoảng hốt hỏi: “Có chuyện gì đấy?”

Rồi không để tôi trả lời, mẹ tôi đã vội vã chạy ra ngoài, vừa lúc người hàng xóm bế em trai tôi về. Nghe họ nói chuyện, bà đã hiểu tất cả. Em trai tôi, có lẽ thấy tôi đột ngột chạy đi mất, hoặc linh cảm không còn người thân thiết ở bên cạnh, đang khóc thảm thiết. Người phụ nữ hàng xóm chưa từng có con, không biết làm sao để dỗ trẻ. Với dáng điệu lúng túng, cô ta trao lại đứa trẻ cho mẹ. Mặt mẹ tôi vẫn tái nhợt, miệng khẽ mở ra, có vẻ chẳng thèm hiểu những lời xin lỗi khách sáo của hai vợ chồng họ. Chẳng để họ kịp nói chào tạm biệt, bà vội vã ôm em trai tôi vào phòng. Hai vợ chồng họ nhìn nhau, lúng túng, có lẽ đã ý thức mình không nên ở đây, nên vội rời đi, sau khi gật đầu, khẽ mỉm cười bối rối như để chào tôi.

Trong suốt thời gian đó, tôi vẫn đứng nguyên một chỗ, lưng tựa vào tường, cố bình tĩnh lại, nhưng tim vẫn đập bình bịch. Tiếng khóc trong phòng mẹ tôi tắt đi, có lẽ em tôi đã ngủ. Một lát mẹ tôi quay ra, gương mặt bà phủ một thứ bóng tối kì lạ tôi chưa từng thấy bao giờ. Quay sang tôi, bà hỏi:

“Liên, tại sao con lại bỏ em lại?”

Tôi im lặng. Nhưng bà đã kéo tôi lại gần, bắt tôi nhìn vào mắt bà. Biết đây là loại câu hỏi tiếp tục im lặng không được, tôi chỉ đáp lại, tôi sợ con chó. Mẹ tôi có vẻ càng giận dữ hơn. Bà quát lớn:

“Con chó đã có người giữ rồi, làm sao nhào ra cắn được? Kể cả không như thế, sao lại bỏ mặc em?”

Tôi im lặng, quên cả khóc, nhìn chằm chằm mẹ tôi. Bà dường như bị sự tức giận làm không thở được, ôm ngực nghẹn lại một lúc rồi quát:

“Những lúc như thế, làm chị người ta phải sẵn sàng hy sinh thân mình bảo vệ em chứ? Tại sao con nhẫn tâm ích kỉ thế!” Mẹ tôi quát, gương mặt bà đầy nước mắt.

Tôi cố im lặng, nhưng không nén được, cuối cùng tôi hét vào mặt bà: “Mẹ câm luôn đi!”

Mẹ tôi sững người. Xấu hổ, giận dữ, hay cảm xúc nào đó không rõ khiến bà run rẩy. Bàn tay bà bấu vào vai tôi chặt hơn, đau điếng.

“Tại sao con nói mẹ câm đi?”

Tôi cũng run rẩy cả người. Nhưng cảm giác gì đó nghẹn trong cổ họng không cho tôi lùi xuống, im lặng, và tôi đáp trả vào mặt bà, tôi không bao giờ muốn nghe bà nói nữa.

“Con ghét mẹ, lắm phải không?”

Bà buông vai tôi ra, lùi lại, nhìn tôi chằm chằm như mới quan sát tôi lần đầu. Bàn tay bà nắm chặt hai bên vạt áo. Gương mặt trắng bệch như mất hết sức lực. Bà chậm rãi nói, bình tĩnh đến kì lạ, một câu nói dường như chẳng liên quan gì tới tình thế hiện tại:

“Nếu mẹ chết, con cũng không buồn, đúng không?”

Tôi không hiểu điều gì đã khiến bà nói câu đó. Tôi không biết đó liệu có phải suy nghĩ thực sự của bà, hay chỉ là sự bộc phát của cảm xúc nhất thời, quá thất vọng buồn rầu trước điều bà cho là chứng cứ không thể chối cãi về sự tàn nhẫn của tôi. Chỉ biết là, tôi sợ hãi câu nói đó. Rằng trong phút giây điều đó bật ra từ môi bà, tôi nhận ra mình chưa từng nghe thấy điều gì khủng khiếp hơn trên đời.

Vì vậy, tôi đưa tay lên bịt tai, gào lên: “Mẹ câm đi! Mẹ câm luôn đi!”

Mẹ tôi sững người. Hai mẹ con tôi đứng đối diện nhau trên sân. Ánh nắng chiếu xuống dàn dây leo ông nội tôi trồng để che nắng trước sân. Những thanh tre ngang dọc cắt bóng xuống mặt sân, xuống mẹ con tôi, ranh giới bóng tối và ánh sáng rõ ràng như những lưỡi dao sắc lẹm. Và lúc đó, tôi chợt có một ảo giác kì lạ và đáng sợ.  Như thể những lưỡi dao bóng tối đó đã cắt rời thân thể mẹ tôi, và ai đó đã chắp vá những mảnh vụn của bà lại một cách vội vàng. Đứng trên sân, cái chỉnh thể kì lạ đó mở to mắt nhìn tôi, một đôi mắt tôi chẳng thể đọc thấu điều gì.

Tôi bỏ ra ngoài. Thị trấn đã tối dần. Mẹ tôi không gọi tôi lại. Ngoảnh đầu lại, tôi thấy bà vẫn đứng yên trên sân, mở to mắt, nhìn vào nơi tôi vừa đứng, như thể đã quá mệt mỏi để cất tiếng gọi tôi.

Vì thế, chiều hôm đó, tôi đến đập cửa nhà cô. Và chẳng nói chẳng rằng, tôi nhào vào lòng cô khóc. Thái độ đột ngột của tôi khiến cô hoảng hốt, liên tục hỏi tôi liệu có chuyện gì đấy. Nhưng tôi không nói, cũng không giải thích. Cuối cùng, cô cũng không hỏi gì cả, và để tôi ở lại đến tối, sau đó mới dắt tôi trở về nhà ông bà.

Chúng tôi gặp ông nội ở ngoài cổng. Ông đã nghe được tất cả, và cũng đang định đi tìm tôi.

Tôi mắc nợ cô như thế, nên tôi đã không nói gì, cũng không hỏi han gì khi ông nội tôi và cô nói chuyện với nhau ngoài cổng. Toàn là những chuyện chẳng có ý nghĩa gì. Ông chỉ đơn giản hỏi thăm về gia đình  cô, và những khó khăn khi sống một mình. Và cô chỉ đơn giản trả lời ông quanh mấy chuyện đó.

Khi cô trở về, ông nội tôi chỉ mang cuốc ra vườn, ngẩng đầu nhìn lên gốc mai, như đang suy tính chuyện chặt bớt cành. Nhưng rốt cuộc, ông cũng chẳng làm gì, và từ cửa sổ phòng cô tôi, tôi nhìn thấy bóng hình của ông trong đêm, vẫn ngẩng đầu lên nhìn khoảng trời giữa những cành cây, như đang cố dõi mắt đuổi theo điều gì đó đang dần biến mất vào khoảng tối thăm thẳm giữa các vì sao.

 

Bình luận về bài viết này